Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ - Hà Nộihttps://trungtamytechuongmy.vn/uploads/z5960304904676_90b29858fb9ca7bf85dc7a651b9f6685.jpg
Thứ tư - 12/06/2024 11:30
Bác sỹ CK I Nghiêm Thị Hiền - Phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ truyền thông HIV
Hưởng ứng tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (Từ 01/6 đến 30/6/2024) với mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã tập trung đẩy mạnh chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và đạt kết quả tích cực; trong đó: Kết quả ấn tượng nhất là số trẻ em sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ giảm mạnh qua các năm, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của phụ nữ nhiễm HIV và giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Lây truyền từ mẹ sang con là 1 trong 3 con đường lây nhiễm chính của HIV/AIDS. Tuy nhiên, nếu bà mẹ được chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả thì tỷ lệ lây truyền này chỉ còn 2 - 6%, thậm chí là 0%. Xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng giúp trẻ không bị lây nhiễm HIV từ mẹ, trong những năm qua trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, các đơn vị y tế trong huyện đã triển khai đồng bộ công tác tư vấn, xét nghiệm phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai để áp dụng các biện pháp can thiệp dự phòng hiệu quả. Từ đó, nâng cao nhận thức về lợi ích của xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng bằng thuốc ARV sớm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhất là phụ nữ nhiễm HIV, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ có nguy cơ nhiễm HIV cao. Đồng thời tăng cường tư vấn, chuyển gửi bệnh nhân lên tuyến trên điều trị thuốc ARV dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; theo dõi tải lượng vi rút HIV của phụ nữ nhiễm HIV có nhu cầu sinh con và phụ nữ mang thai nhiễm HIV, can thiệp kịp thời để tải lượng vi rút HIV đạt dưới ngưỡng ức chế hoặc dưới ngưỡng phát hiện. Bệnh viện đa khoa, Phòng khám đa khoa và các Trạm Y tế trên địa bàn huyện có cung cấp dịch vụ sản khoa đều thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai tới khám. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được chăm sóc, điều trị, chuyển gửi, cung cấp dịch vụ phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và được điều trị bằng thuốc dự phòng ngay khi phát hiện nhiễm HIV.
Bác sĩ Vũ Đình Hải, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật và HIV/AIDS, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cho biết: "Thời gian đầu, hoạt động dự phòng gặp nhiều khó khăn do chị em chưa hiểu rõ được ý nghĩa của việc sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai. Nhờ đẩy mạnh công tác tư vấn, truyền thông trong những năm gần đây, việc sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai trên địa bàn diễn ra thuận lợi hơn; tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con giảm đáng kể. Tuy nhiên, để sinh ra con không bị nhiễm HIV, người mẹ nhiễm HIV phải được điều trị ARV và tuân thủ điều trị tốt; cần theo dõi thai kỳ, tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm và điều trị dự phòng ngay cho trẻ từ lúc lọt lòng. Các biện pháp can thiệp trong chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con dù khá hiệu quả nhưng nếu muốn sinh con, người nhiễm HIV cần có tư vấn của bác sĩ để được cung cấp đầy đủ thông tin, kiến thức cho một thai kỳ khỏe mạnh". Hưởng ứng Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con năm 2024, với chủ đề “Hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030”, Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã ban hành Kế hoạch số 221/KH-TTYT ngày 28/5/2024 triển khai “Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con” trên địa bàn huyện Chương Mỹ năm 2024 với các hoạt động: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, tư vấn, chuyển gửi người bệnh nhiễm HIV lên tuyến trên để được cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con; quản lý tốt và chuyển gửi sớm các trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV…
Qua đó, góp phần thúc đẩy sự tham gia của hệ thống chính trị, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ nguy cơ nhiễm HIV cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con sớm. Đồng thời giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Vì sức khỏe và tương lai của con em mình, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai cần chủ động đi khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh, cần được điều trị theo phác đồ sớm để bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030./.