![z5815240006337 a99c11ff09bfcc1b55aab91a713726ad](/uploads/tin-tuc/z5815240006337_a99c11ff09bfcc1b55aab91a713726ad.jpg)
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và mưa lớn kéo dài trên địa bàn huyện Chương Mỹ có mưa to nên một số cụm dân cư vùng thấp, trũng ở một số xã, thị trấn trong huyện đã bị ngập, úng.
Tính đến 12h00’ ngày 10/9/2024, toàn huyện có 1.011 hộ gia đình bị ngập của 10 xã .
Thực hiện phương châm 4 tại chỗ: Nhân lực tại chỗ, hậu cần tại chỗ, vật tư tại chỗ và chỉ huy tại chỗ; Trung tâm Y tế Chương Mỹ đã có công văn số 564/TTYT-KHNV ngày 06/9/2024 của Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ về việc đảm bảo công tác y tế phòng, chống cơn bão số 3; Đồng thời phân công nhiện vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, phân công các khoa phòng hỗ trợ nhân lực cho các xã, thị trấn.
- Thành lập và phân công 04 đội cơ động trực thường trú cấp cứu cơ động, phòng chống dịch ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ;
- Đảm bảo đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc sẵn sàng đáp ứng công tác cấp cứu và điều trị cho người dân;
- Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống trang tin điện tử của Trung tâm Y tế huyện về cách bảo quản nguồn nước, xử lý đuối nước, phòng chống điện giật cho người dân trong những ngày mưa bão, phòng bệnh.
- Tổ CSSKSS phối hợp cùng các trạm y tế thống kê số bà mẹ mang thai dự kiến sinh đến ngày 15/9/2024 (53 bà mẹ mang thai), lên phương án di chuyển sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ đến Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ.
A. Hiện tại rất nhiều ao, hồ, sông… nước đã dâng lên rất cao nguy cơ xảy ra đuối nước. Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đuối nước:
1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng ngừa tai nạn đuối nước cho người thân trong gia đình, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Giáo dục cho trẻ em các hiểm họa tai nạn đuối nước có thể xảy ra trong mùa mưa lũ, như:
- Giáo dục cho trẻ tránh xa những nơi có nước sâu, nước chảy xiết, không đi tắm ao, hồ, sông suối... Không nên đi lại, chơi gần những nơi như: ao, hồ, sông suối, đập thuỷ lợi hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng...không có nắp đậy và các hố ao sâu gây nguy hiểm cho trẻ em như hố lấy đất, lấy cát, lấy nước tưới cây...
- Trẻ em khi đi tắm sông, hồ và khi tham gia các loại hình giao thông đường thủy phải mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn giám sát, trông coi.
- Nên cho trẻ làm quen với nước và tập bơi đúng cách để tránh đuối nước khi gặp tình huống; giáo dục các kỹ năng giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông suối khi không có sự canh chừng của người lớn.
2. Ở mỗi hộ gia đình, cơ quan, tổ chức cần thực hiện việc xây dựng, lắp đặt rào chắn (ao, hố đào trữ nước tưới...), cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các sông, suối, hồ, đập và các khu vực nước sâu nguy hiểm để người dân biết, phòng tránh, ngăn chặn người dân, nhất là trẻ em đến tắm.
3. Người dân không nên bơi lội qua sông, suối, ao hồ và không vớt củi, đánh bắt cá khi nước lũ về; không ở vùng có nguy cơ lũ khi có dự báo mưa, lũ xảy ra; không tắm ở các ao, hồ, sông suối khi có mưa lũ...
4. Mọi người dân cần thường xuyên tìm hiểu, trao dồi kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để kịp thời áp dụng khi xảy ra trường hợp đuối nước.
5. Đề nghị các đơn vị quản lý, khai thác công trình giao thông, công trình công cộng và nhà ở:
Tổ chức kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ xảy ra đuối nước, tiến hành cắm biển cảnh báo, lập rào chắn và thực hiện các biện pháp cần thiết khác để ngăn chặn, phòng ngừa. Tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ; tuyệt đối không để cho người dân, đặc biệt là trẻ em vào khu vực ao hồ công trình đào đắp có hố sâu.
B. Xử trí khi gặp đuối nước :
- Xử trí cấp cứu ban đầu rất quan trọng, khoảng 70% trẻ bị tai nạn đuối nước được cứu sống nếu cấp cứu cơ bản tốt ngay tại nơi bị nạn.
1. Khi phát hiện thấy người bị ngã xuống nước cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân.
- Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bàng cách: đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng … và kéo bệnh nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dai, chắc từ bờ để nạn nhân túm được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người để vớt nạn nhân lên.
2. Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí
3. Quan sát nạn nhân xem có thở được không bằng cách nhìn vào lồng ngực và nghe tiếng thở của bệnh nhân. ( Thao tác này cần thực hiện nhanh chóng )
- Nếu nạn nhân còn thở thì đặt nạn nhân nằm nghiêng để dịch và chất nôn thoát ra ngoài.
- Nếu bệnh nhân không thở được thì lập tức đặt bệnh nhân nằm thẳng đầu ngửa bằng cách nâng cằm nạn nhân làm cho đường thở được thẳng, thông thoáng .
- Kiểm tra xem miệng bệnh nhân có đờm rãi, dị vật thì lấy ra
- Tiến hành hà hơi, thổi ngạt miệng - miệng hoặc miệng - mũi (đối với trẻ nhỏ)
Cách tiến hành:
- Nếu sử dụng phương pháp miệng - miệng thì một tay bịt mũi trẻ, giữ đầu trẻ đảm bảo tư thế đầu ngửa. Sau đó hít một hơi sâu rồi thổi vào miệng nạn nhân. Tiến hành 5 lần liên tiếp rồi kiểm tra xem bệnh nhân có thở được không.
4. Ép tim ngoài lồng ngực, tiến hành ngay sau khi kiểm tra mạch, thấy mạch chậm, nhỏ hoặc không bắt được.
- Vị trí ép tim: ½ dưới xương ức hoặc một khoát ngón tay trên mũi ức
- Với trẻ nhỏ dùng gót bàn tay của 1 tay, với trẻ lớn dùng cả 2 tay để ép.
- Chiều sâu bằng 1/3 chiều dày lồng ngực.
- Tần số ép tim 100 lần/ phút. Nếu có 1 người cấp cứu thì cứ 30 lần ép tim, 2 lần thổi ngạt. Nếu có 2 người cấp cứu thì cứ 15 lần ép tim 2 lần thổi ngạt .
5. Phải kiểm tra xem bệnh nhân có bị chấn thương cột sống cổ hay không
6. Cởi quần áo ướt, lau khô và ủ ấm nạn nhân
7. Đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Trên đường đi phải chú ý hô hấp và tuần hoàn.
Mọi thông tin cần hỗ trợ giúp đỡ về y tế người dân liên hệ đến Trạm y tế xã, thị trấn nơi gần nhất.