Hưởng ứng ngày tránh thai thế giới với chủ đề “Giới trẻ hãy có trách nhiệm trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai vì hạnh phúc của chính mình, vì tương lai của đất nước”.

Thứ hai - 23/09/2024 23:08
 

Hưởng ứng ngày Tránh thai thế giới năm 2024 Phòng dân số Truyền thông GDSK tổ chức các hoạt động Truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai cho thanh niên vị thành niên; Truyền thông xã hội hóa các biện pháp tránh thai và dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm, có khoảng 85 triệu ca có thai ngoài ý muốn; 56 triệu ca phá thai, trong đó, có tới 25 triệu ca phá thai không an toàn. Chi phí điều trị hàng năm do phá thai không an toàn được ước tính là 553 triệu đô la Mỹ.
Tại Việt Nam, vẫn có 250 - 300 nghìn ca phá thai mỗi năm được thông báo chính thức. Kết quả Điều tra biến động dân số và KHHGĐ ngày 1/4/2016 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15 - 49 đang có chồng thì có 62 ca là mang thai ngoài ý muốn.
Nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn được biết là do không áp dụng biện pháp tránh thai; do thất bại của các biện pháp tránh thai (sử dụng không đúng cách, sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả) và do nhu cầu không được đáp ứng - có nhu cầu KHHGĐ nhưng không được cung cấp biện pháp tránh thai, không tiếp cận được dịch vụ.
Phá thai không an toàn khiến phụ nữ gặp nhiều tai biến, hậu quả xấu về sức khỏe sinh sản như vô sinh (do tắc dính buồng tử cung, vòi trứng), chửa ngoài dạ con, băng huyết, sót rau, thủng tử cung, nhiễm trùng, thậm chí tử vong.
Trước tình hình đó, liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các hiệp hội khoa học và y học quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sinh sản đã thống nhất lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày tránh thai thế giới và phát động lần đầu tiên vào ngày 26/9/2007 tại Châu Âu.
Ý nghĩa Ngày tránh thai thế giới: một chiến dịch toàn cầu, khơi dậy trách nhiệm của giới trẻ trong việc quan hệ tình dục an toàn và chủ động tránh thai, đồng thời khuyến khích phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ chủ động về hành vi mang thai vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng.
Mục đích truyền thông ngày tránh thai thế giới:  nâng cao nhận thức cho giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên (VTN, TN), phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt để không mang thai ngoài ý muốn. Nâng cao nhận thức về lợi ích của việc tránh thai, nhu cầu sử dụng, khả năng đáp ứng các phương tiện tránh thai (PTTT), vấn đề xã hội hóa các PTTT tại Việt Nam, về chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS), các biện pháp tránh thai an toàn.
 Tuyên truyền đến người dân để biết và lựa chọn, sử dụng các biện pháp tránh thai sau đây:
1.Bao cao su: vừa tránh thai an toàn, hiệu quả vừa phòng nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục.
2.Viên thuốc uống tránh thai: uống thuốc hàng ngày để tránh thai
3.Thuốc viên tránh thai khẩn cấp: uống sau quan hệ tình dục trong vòng 5 ngày, tốt nhất là trong vòng 72 giờ (3 ngày), càng uống sớm hiệu quả càng cao, không nên lạm dụng.
4.Thuốc tiêm tránh thai: tiêm mội mũi tránh thai được 03 tháng.
5.Thuốc cấy tránh thai: cấy que tránh thai được 3-5 năm
6.Dụng cụ tử cung (vòng): tránh thai lâu dài, thực hiện ở cơ sở y tế, chỉ nên sử dụng khi đã có con.
7. Tính vòng kinh: hiệu quả không cao, dễ bị “vỡ kế hoạch”
Để đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em hãy lựa chọn cho mình một biện pháp tránh thai phù hợp để tránh mang thai ngoài ý muốn.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây