Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ kiểm tra tình hình thiệt hại ở các Trạm y tế và công tác y tế phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân khi mưa, lũ.
Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ - Hà Nộihttps://trungtamytechuongmy.vn/uploads/z5960304904676_90b29858fb9ca7bf85dc7a651b9f6685.jpg
Thứ ba - 10/09/2024 22:12
Ban giám đốc Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ kiểm tra tại Trạm y tế xã Hòa Chính
Chiều ngày 10/9/2024, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ cùng một số đồng chí Trưởng/phó khoa, phòng đi kiểm tra tình hình thiệt hại cơ sở vật chất sau cơn bão số 3 và các cơ số thuốc, vật tư y tế chuẩn bị cấp cho nhân dân trong những vùng ngập úng khi xảy ra dịch bệnh. Tại các Trạm y tế, đồng chí Giám đốc Dương Mạnh Hùng chỉ đạo các trạm nghiêm túc thực hiện trực 24/24h và đảm bảo 100% quân số, yêu cầu các Trạm thường xuyên bổ sung các cơ số thuốc và vật tư phục vụ công tác cấp cứu và điều trị cho người dân. Đề nghị các trạm trong thời gian chờ xin kinh phí sửa chữa khắc phục các khó khăn để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Tính đến 16h00’ ngày 10/9/2024, toàn huyện có 26 thôn thuộc 11 xã bị ngập, trong đó có 1.222 hộ gia đình bị ngập. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ: “Nhân lực tại chỗ”, “hậu cần tại chỗ”, “vật tư tại chỗ” và “chỉ huy tại chỗ”; Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ đã có Văn bản số 564/TTYT-KHNV ngày 06/9/2024 về việc đảm bảo công tác y tế phòng, chống cơn bão số 3; Đồng thời phân công nhiện vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão, phân công các khoa phòng hỗ trợ nhân lực cho các xã, thị trấn. - Thành lập và phân công 04 đội cơ động trực thường trú cấp cứu cơ động, phòng chống dịch ứng phó với cơn bão số 3 và mưa lũ; - Đảm bảo đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, cơ số thuốc sẵn sàng đáp ứng công tác cấp cứu và điều trị cho người dân; - Tổ chức tuyên truyền trên hệ thống trang tin điện tử của Trung tâm Y tế huyện về cách bảo quản nguồn nước, xử lý đuối nước, phòng chống điện giật cho người dân trong những ngày mưa bão, phòng bệnh. - Tổ chăm sóc SKSS phối hợp cùng các trạm y tế thống kê số bà mẹ mang thai dự kiến sinh đến ngày 15/9/2024 (53 bà mẹ mang thai), lên phương án di chuyển sản phụ có dấu hiệu chuyển dạ đến Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ.
Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ chỉ đạo trực tiếp di chuyển Trạm y tế Nam Phương Tiến lên Bưu điện xã tránh ngập
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trong mùa lũ, Trung tâm Y tế huyện tiếp tục cử cán bộ về các địa bàn vùng lũ phối hợp cùng cán bộ y tế các xã, y tế thôn thực hiện tuyên truyền, cấp hóa chất CloraminB, hướng dẫn các hộ dân bị ngập lụt biện pháp giữ vệ sinh môi trường, cách xử lý nguồn nước để phòng, chống các dịch bệnh thường gặp trong mùa mưa lũ. Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường khi ngập lụt và sau khi ngập lụt như sau: 1. Việc khử khuẩn sẽ thực hiện bằng hoá chất là CloraminB 25%: - Liều lượng: 0,3gam bột CloraminB cho 30 lít nước Có thể dùng thìa ước tính như sau: + 1 thìa canh đầy tương đương 10 gam; + 1/3 thìa bột cloraminB cho 300 lít; + 1 thìa cloraminB cho khoảng 1.000 lít nước (1m3 nước) - Cách khử trùng: + Cho nước vào xô, chậu, dụng cụ chứa nước, tốt nhất dùng dụng cụ chứa nước có định lượng. Ví dụ sử dụng xô khoảng 10 - 20 lít; + Hòa tan CloraminB vào gáo nước rồi đổ vào dụng cụ chứa nước; Trộn đều, múc nước lên, khi thấy mùi Clo là được. + Dùng nước sau xử lý 30 phút. + Đun sôi trước khi dùng. 2. Quản lý gia súc, gia cầm và xử lý xác súc vật trong khi ngập lụt - Gia súc và gia cầm phải được quản lý chặt chẽ, không thả rông gia súc, gia cầm để tránh làm ô nhiễm môi trường. Làm vệ sinh chuồng trại và tẩy uế hàng ngày bằng các loại hóa chất khử trùng thông thường như: Vôi bột, Cloramin B. - Nếu thấy gia súc, gia cầm có biểu hiện mắc bệnh phải cách ly hoặc đem tiêu hủy (chôn hoặc đốt) đúng theo quy định. + Trước khi chôn xác súc vật chết hoặc bị bệnh cần xử lý bằng vôi bột hoặc hóa chất sát trùng, tốt nhất là bao gói kín bằng vật liệu không thấm nước và chôn ở nơi đất cao xa nguồn nước và khu dân cư. + Đào hố chôn sao cho tất cả xác súc vật được vùi sâu dưới đất ít nhất 0,8m, đổ 02 - 03kg vôi bột lên trên, hoặc phun dung dịch hóa chất khử trùng, tẩy uế (Crezil, CloraminB) nồng độ cao (có thể tới 100mg/l CloraminB) rồi lấp đất, lèn chặt. + Cắm biển báo hiệu nơi chôn xác súc vật để tránh bị đào bới. + Trường hợp phải chôn ở nơi có nguy cơ ngập nước thì phải lèn chặt bằng đất đá không để xác súc vật nổi lên. Những nơi có điều kiện có thể thiêu hủy xác động vật chết. 3. Xử lý môi trường xung quanh - Nước rút đến đâu, các gia đình làm vệ sinh nhà cửa và huy động cộng đồng làm vệ sinh môi trường đến đó, đẩy được phù sa ra khỏi nhà, sân và đường đi. - Khi nước rút hết: Cần khơi thông cống rãnh, lấp vũng nước đọng, chôn lấp xác gia súc vật chết, tẩy uế. - Dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, phơi khô quần áo, không treo mắc quần áo ẩm ướt vào một chỗ dễ làm nơi trú ẩn cho muỗi. - Làm vệ sinh và tu sửa nhà tiêu (nếu không hỏng nặng). Nếu nhà tiêu hỏng nặng, chọn nơi cao ráo xa nhà, xa giếng (20m) đào hố đi tạm rồi lấp đất, ngăn chặn côn trùng, súc vật tiếp xúc với phân, chờ một vài tuần sửa lại nhà tiêu./.