Đảm bảo an toàn toàn thực phẩm trong dịp Tết dương lịch 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân 2025.
2024-12-30T22:30:12-05:00
2024-12-30T22:30:12-05:00
https://trungtamytechuongmy.vn/tin-hoat-dong/dam-bao-an-toan-toan-thuc-pham-trong-dip-tet-duong-lich-2025-tet-nguyen-dan-at-ty-va-le-hoi-xuan-2025-120.html
https://trungtamytechuongmy.vn/uploads/tin-tuc/image-20240920133544-1.jpeg
Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ - Hà Nội
https://trungtamytechuongmy.vn/uploads/z5960304904676_90b29858fb9ca7bf85dc7a651b9f6685.jpg
Thứ hai - 30/12/2024 21:55
Tuyên truyền đảm bảo vệ sinh an toàn toàn thực phẩm trong dịp Tết dương lịch 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân 2025.
Tết dương lịch 2025, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và lễ hội Xuân 2025 đang đến gần, các mặt hàng thực phẩm tết được bán tấp nập khắp các nẻo đường, ngoài sản phẩm thông dụng của các Công ty sản xuất trong nước, người tiêu dùng được chứng kiến sự góp mặt khá phong phú các mặt hàng bánh kẹo, đồ uống, mứt hoa quả, nước giải khát, rượu, các loại hạt... nước ngoài. Để chủ động trong việc lựa chọn sử dụng các sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Người dân cần lưu ý khi lựa chọn thực phẩm và bảo quản ngày tết như sau:
- Để có thể mua được hàng hoá, thực phẩm đảm bảo chất lượng, mọi người tiêu dùng hãy nói không với thực phẩm trôi nổi trên thị trường, tránh mua những sản phẩm không ghi rõ nhãn mác, tên thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, địa chỉ của nhà sản xuất. Hãy là người tiêu dùng thông thái, không lên mua quá nhiều thực phẩm tích lũy, Chỉ nên chuẩn bị thực phẩm vừa đủ cho 2 đến 3 ngày tết.
- Cách bảo quản thực phẩm tươi sống
- Nơi bảo quản thực phẩm tươi sống như thịt, cá ở ngăn đá tủ lạnh. Trước khi cho vào hộp hoặc túi ni lông thì nên rửa sạch và cắt miếng phù hợp khi chế biến. Đậy kín hộp và buộc chặt túi rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Khi chế biến bạn lấy ra rã đông hoàn toàn và nhớ nấu hết thực phẩm đã rã đông.
- Bảo quản rau xanh tươi lâu trong ngày Tết thì bạn phải loại bỏ lá sâu, dập nát, cắt bỏ rễ và rửa sạch rồi cho vào túi thực phẩm buộc chặt và cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Trái cây thì cũng rửa sạch, để ráo rồi cho vào túi buộc kín đưa vào ngăn mát.
Với củ quả thì bạn để nguyên, khi nào chế biến mới gọt vỏ và rửa. Nếu nó đã được bảo quản trong tủ lạnh thì khi mua về bạn cũng đưa vào tủ lạnh để bảo quản chúng. Những rau củ quả nào không gọt vỏ thì bạn phải rửa bằng nước muối loãng hay nước rửa rau quả chuyên dụng.
- Bảo quản thức ăn đã nấu chín
Thức ăn nấu chín nếu bảo quản lâu thì phải để nguội rồi đậy kín mới đưa vào tủ lạnh.
- Món kho như thịt kho trứng vịt, cá lóc kho, măng hầm chân giò, mướp đắng nhồi thịt… bạn chỉ nên nấu đủ ăn cho 2 – 3 bữa và không nên hầm đi hầm lại nhiều lần.
- Bảo quản bánh chưng, bánh tét: khi nấu chín vớt bánh chưng ra thì bạn nên rửa lại bằng nước sạch rồi ép bằng vật nặng để bánh nén chặt lại hơn. Cất bánh nơi thoáng mát và luộc, chiên hoặc hấp lại nếu thấy bánh bị cứng.
- Với món chiên, quay thì bạn đặt vào hộp lớn đổ ngập dầu rồi đặt vào ngăn mát. Khi cần ăn thì lấy đủ phần ăn hâm lại và ăn.
- Bảo quản giò chả, nem chua nếu không có tủ lạnh thì rất dễ bị thiu, hỏng. Bạn nên lột hết lớp vỏ bên ngoài tránh để đổ mồ hôi. Bảo quản trong rổ có lỗ nhỏ nhưng tránh nơi có gió. Giò chả và nem chua nên ăn trong khoảng 2 ngày, nếu bạn chưa ăn kịp nên luộc lại.
- Bạn nên để riêng thức ăn sống và thức ăn nấu chín trong những hộp riêng biệt. Bảo quản kín như vậy giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm chéo.
- Việc đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược chăm sóc, bảo vệ sức khỏe con người và còn là quyền cơ bản của mỗi người dân; an toàn thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, phát triển giống nòi, tăng cường nguồn lực con người, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Theo Cục vệ sinh an toàn thực phẩm - Bộ Y tế, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ngộ độc là do vi sinh vật, hoá chất, độc tố tự nhiên và do thức ăn hư hỏng, biến chất. Các tác nhân trên đều có thể xảy ra qua đường ăn uống, chế biến và bảo quản thực phẩm. Những nơi có nguy cơ cao để xảy ra mất vệ sinh an toàn thực phẩm là các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
- Do đó để bảo đảm sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, chúng ta cần tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm sau:
1. Chọn thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn.
2. Nấu chín kỹ thức ăn:Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C.
3. Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.
4. Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại.
5. Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại.
6. Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.
7. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn: Nếu tay cóvết thương hãy băng kỹ và kín vết thương trước khi chế biến thức ăn.
8. Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn: Do thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, bất kỳ bề mặt nào dùng để chế biến thức ăn cũng phải được giữ sạch. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại.
9. Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn...Đó là cách bảo vệ tốt nhất. Khăn đã dùng che đậy thức ăn chín phải được giặt sạch lại.
10 Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước sạch là nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh. Hãy đun sôi trước khi làm đá uống. Đặc biệt cẩn thận với nguồn nước dùng nấu thức ăn cho trẻ nhỏ.
Để mỗi dịp Tết đến, Xuân về thực sự có ý nghĩa cả về mặt thể chất và tinh thần Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ khuyến cáo mỗi gia đình chúng ta cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bản thân và các thành viên của gia đình:
- Cần duy trì ăn uống đa dạng thực phẩm, đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm và cân đối các chất dinh dưỡng trong mỗi bữa ăn.
- Cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn tăng cường rau quả, hạn chế thịt, phủ tạng động vật, hải sản, rượu bia, bánh kẹo ngọt.
- Đối với người thừa cân béo phì, bị bệnh hoặc có nguy cơ bị các bệnh mạn tính liên quan đến dinh dưỡng như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, gút... cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo tư vấn của bác sĩ điều trị.