Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ hướng dẫn người dân cách xử lý giếng nước bị ô nhiễm sau mưa lũ

Thứ ba - 30/07/2024 04:27
Có 02 loại giếng nước thường hay được sử dụng đó là giếng khơi và giếng khoan, trong đó sử dụng giếng khoan khá phổ biến. Sau lũ lụt, hầu hết nước giếng đều bị ô nhiễm nặng, cần phải xử lý mới bảo đảm vệ sinh để sử dụng.
Khi có lũ lụt xảy ra, nước ngập tràn khắp nơi, cuốn trôi tất cả mọi thứ trên mặt đất như chất thải từ cống rãnh, nhà vệ sinh, xác súc vật, phân chuồng gia súc, gia cầm, các loại côn trùng, cây cối gãy đổ vv... làm nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các giếng nước cũng có khả năng ngập chìm trong nước lụt. Vì vậy, sau khi nước lụt rút đi, cần có các biện pháp xử lý ngay nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm, để đề phòng các nguy cơ nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cụ thể:
1. Xử lý nước giếng khơi
Khi bị lũ lụt, chúng ta thường dùng tấm vải nylon hoặc nắp đậy bịt miệng giếng khơi, nhưng nước trong giếng vẫn bị ô nhiễm rất nặng, vì nắp đậy hoặc tấm vải nylon chỉ ngăn được rác, cặn bẩn xâm nhập vào giếng, chứ không ngăn chặn được nước bẩn vào giếng. Muốn xử lý nguồn nước của giếng khơi bị ô nhiễm, cần tiến hành thực hiện các việc sau đây:
* Bước 1: Thau rửa giếng:
- Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng.
- Trước khi làm trong và khử trùng nước, phải thau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng.
* Bước 2: Biện pháp làm trong nước:
- Dùng phèn chua liều lượng 50gam/1m3 nước, nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100gam/1m3.
- Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu.
- Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần và đợi 30 phút sau mới thực hiện bước khử trùng nước.
* Bước 3: Khử trùng nước giếng:
- Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3, thì cứ 1m3 hoà tan 10 - 20 gam CloraminB tương đương 01 đến 02 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước).
- Múc một gàu nước; hoà lượng hoá chất nói trên vào nước, phải khuấy đều cho tan hết hoá chất; thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần.
Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được; nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa canh bột Cloramin B quấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Clo mới đảm bảo.
- Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng. Sau 30 phút mới sử dụng nước (phải đảm bảo lượng Clo dư (0,3 - 0,5mg/lít).
(Nếu lỡ cho quá nhiều Cloramin B thì đợi đến khi nào bay hết mùi clo mới sử dụng).
Lưu ý:
- Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn.
- Sau khi khử trùng nếu ngửi có mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng.
- Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.
2. Đối với giếng khoan
Cách xử lý nước giếng khoan đơn giản hơn.
Tháo dây cao su và ni lông bịt miệng giếng khoan.
Cọ rửa vòi, cần và nền giếng khoan.
Khơi thông cống rãnh quanh giếng.
Bơm hết nước đục, sau đó bơm liên tiếp 15 phút nữa để loại bỏ nước có khả năng bị nhiễm bẩn bỏ nước đi sau đó mới sử dụng./.

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây